• :
  • :
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thư viện trường Tiểu học Trần Quốc Toản tổ chức buổi giới thiệu sách tháng 3 đầy ý nghĩa với chủ đề “Sống mãi tuổi 20”

Hoà chung trong không khí tưng bừng phấn khởi của hàng triệu đoàn viên thanh niên cả nước hướng tới kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), trong tháng 3 này, Thư viện trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã tổ chức buổi giới thiệu sách đầy ý nghĩa với chủ đề “Sống mãi tuổi 20”.

Không có gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên

Câu thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh thân tặng lực lượng thanh niên không chỉ là lời kêu gọi, động viên thanh niên Việt Nam tham gia vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc năm xưa, mà mãi mãi còn là một lời dạy lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam cần phải rèn đức, luyện tài để tiếp bước những thanh niên Việt Nam anh hùng. Bởi thế ngày 26/3 hàng năm trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thanh niên nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh vì dân vì nước, đã có nhiều nhà lãnh đạo, anh hùng lỗi lạc, lập nhiều chiến công xuất sắc lúc đang còn ở tuổi thanh niên, tiêu biểu như Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Viết Xuân, Đặng Thùy Trâm…

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), cô Nguyễn Thúy Hồng, nhân viên Thư viện nhà trường đã giới thiệu tới các em học sinh tác phẩm “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do Đặng Kim Trâm chỉnh lý & Vương Trí Nhàn giới thiệu được nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2005. 

Cô Nguyễn Thúy Hồng, nhân viên Thư viện nhà trường đã giới thiệu tới các em học sinh cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Bìa sách là hình ảnh cuốn nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bức ảnh của chị chụp khi còn là học sinh. Cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” có chiều dài 20,5cm, rộng 13cm, dày 325 trang.

Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:

Phần I: Những ngày rực lửa

Phần II: Những tư liệu ảnh

Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật ký mộc mạc, chân thành Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật ký của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. 

Đối với những người như chúng ta, được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đã hòa bình. Chúng ta biết rằng, để có ngày độc lập như hôm nay, dân tộc ta đã đổ biết bao sương máu, biết bao người đã âm thầm cống hiến và hi sinh. Những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, những trận càn đẫm máu của đế quốc mĩ đã khiến bao gia đình tan nát, bao cảnh chia lìa thật xót xa. Trong những ngày đen tối ấy, vẫn sáng lên tinh thần cách mạng, tình đồng đội, tình đồng chí; lòng căm thù  giặc sâu sắc của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam… Tất cả đều được ghi lại trong “Những ngày rực lửa” của “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”.

Nhật kí là câu chữ ghi lại những sự việc, cảm xúc hàng ngày của chúng ta. Với 325 trang, cuốn sách đã giới thiệu những trang nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970, đến lúc chị hy sinh. Với lời văn giản dị mà chân thành, trong sáng mà cảm động, cuốn nhật ký thật sự cuốn hút, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Mỗi câu chuyện qua từng trang nhật ký là những vòng quay của bánh xe lịch sử đưa người đọc trở lại với chiến trường xưa. Những bức thư chị viết vội về nhà “giữa tiếng phản lực gào xé không gian” gom góp lại những thương nhớ khôn nguôi về gia đình ở miền Bắc đã làm thành sức mạnh giúp chị vững vàng kề vai sát cánh cùng đồng đội giữa chiến trường ác liệt ghê gớm ấy, bám trụ một bệnh xá huyện nho nhỏ cho đến ngày chị hy sinh.

Xuyên suốt quyển nhật ký là những câu chữ mộc mạc xen lẫn chút lãng mạn chứa đựng tình cảm sâu nặng của chị cùng những người đồng chí mà chị đã xem họ như anh chị em của mình; vất vả nguy hiểm đi xem bệnh trong đêm, chị vui mừng rơi nước mắt mỗi khi có một ca bị thương được chị cứu sống, chị đau xót cho hoàn cảnh gia đình tang thương của đồng đội mình; rồi lại bàng hoàng khi nghe tin đồng đội hy sinh, chị mang nỗi căm hận chiến tranh đã gây ra cảnh thương vong tàn khốc, giết chết những người thanh niên còn đang hừng hực sức sống của tuổi đôi mươi.

 

Cô Nguyễn Thúy Hồng giao lưu với các bạn học sinh về những cuốn sách hay của tháng 3.

"Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách nổi tiếng, không chỉ được tác giả Việt Nam đón nhận như một biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh, về tình yêu tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam. Mà ảnh hưởng cuốn sách đã vượt qua biên giới, với sự cảm hóa mạnh mẽ vì những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Chính những dòng tâm sự đó làm cảm động đến thắt lòng và nhắc nhở mỗi chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của họ.

Trong thư viện nhà trường còn có rất nhiều những cuốn sách về những người thanh niên tiêu biểu như tác phẩm Họ đã sống mãi tuổi 20. Để biết rõ hơn về những con người huyền thoại ấy, hy vọng rằng các em học sinh sẽ đến với tủ sách Lịch sử của thư viện nhà trường để tự mình khám phá !

Tin bài: Trường TH Trần Quốc Toản


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết